
Về Nghệ thuật thưởng trà của người Việt Nam thì không ai đem nhã thú phong lưu nầy lên cao hơn Chúa Trịnh Sâm(1739-1782). Mặc dầu Chúa có sủng phi là bà Đặng Thị Huệ, mọi việc đều một tay bà quán xuyến ” ngôn thính kế dùng” nhưng đến việc pha trà cho Chúa thì Chúa vẫn tự tay pha lấy, không nỡ hoặc không dám làm nhọc bà ái cơ xinh đẹp. Từ xưa chữ “nô” trong cụm nô lệ, nô tì..vẫn không mấy đẹp tai đẹp nghĩa, vậy mà Chúa Trịnh Sâm tự xưng mình là ” Trà nô”, nghe vừa xấc xược vừa khí phách tưởng không lựa được chữ nào hơn.
Chúa ban khẩu hiệu ” TRÀ NÔ, TỬU TƯỚNG”, hiểu ngầm rằng: Uống rượu thì phải thật sang cả oai phong, uống như ông đại tướng vừa thắng trận ban sư, có quân hầu hô lệnh, có ca nhi chuốc rượu hiến cửu, có gái đẹp quỳ dâng đến tận môi, gắp miếng ngon đưa đến tận miệng. Nhưng trái lại, đến khi ẩm trà, cao sang đến bậc Vua Chúa vào thời buổi ấy, thế mà lại tự mình săm soi săn sóc lấy bộ đồ trà, và bản thân tự pha lấy, sợ đầu độc ư? Không lý hoặc nếu có thì chỉ có phần nào thôi, cái lý lẽ chánh, theo tôi tưởng, vẫn là tại Chúa muốn áp dụng cho mình một nghệ thuật thưởng trà với triết lý thâm trầm hơn, phong lưu thuần túy Việt Nam hơn, phải nghĩ lâu e mới thấu được.
Chúa có rất nhiều bộ trà, thảy đều quý và khéo léo, do mỗi lần có sứ thần đi sứ qua Trung Hoa thì ghé lò Cảnh Đức Trấn đặt làm theo kiểu của Chúa ban ra. Do đó mới sanh ra từ “đồ sứ”, để gọi những bộ đồ trà do các sứ bộ mang về. Có kiểu kỵ mã, trước kỳ, điếu ngư, phóng cốc, kéo vó, có tích Hứa Do, Sào Phủ, Bá Nha, Tử Kỳ. Có tích Văn Vương cầu hiền, có chén ngọc lưu ly, mã não, bảo ngọc kỳ trân… nhưng về sau Chúa đều kêu chán, vì hễ Chúa có thì Vua Lê phải có, thậm chí những bộ chén vẽ rồng vẽ phụng có đề thêm hai chữ ” Nội Phủ” thế là tột bực, ấy thế mà Chúa vẫn chưa hài lòng.
Cứ mỗi sáng sớm, bà Đặng tuyên phi chực sẵn bên long sàn, sắp đặt nghi tiết đâu đó xong rồi thì nội thị ra mời quân liêu vào chầu Chúa thượng. Chua tự tay pha trà, không dùng ấm to mà chỉ quen dùng một siêu đồng nhỏ, bên trong có trổ mấy ” ngư mục”, mục nầy làm cho nước mau sôi và nước vừa đủ pha vài ba chén con con. Cứ siêu nầy sôi, lấy ra pha thì Chúa với bắt siêu khác lên lò, không cho lửa ở không. Siêu nầy vừa cạn nước thì siêu nọ kịp sôi; Trên chiếc quả lò con có chạm chữ triện đủ mặt tiền mặt hậu, luôn có lửa cho vui mắt….Lửa thì dùng than chế riêng bằng cây Thông, đặt mua từ bên Trung Quốc: nhạy lửa, cháy bén, không hôi, ít tro, dễ mồi, không dơ và không dính tay, thêm lửa thông cháy đỏ hồng tươi rói trông thật vui mắt.
Ấm để chuyên nước, Chúa có rất nhiều và thảy đều quý và cổ, bằng đất “Tử Sa Nghi Hưng”, cái da chu, cái màu gan gà gan dê, ký đủ hiệu từ Mạnh Thần Lưu Bội, Thế Đức, khi ký Doãn Công, khi ký Tuyên Đức Kiền Long, Lập Nhân.. Càng thêm quý và lạ mắt. Mấy ấm nầy không đồng cỡ đồng chạm, ngày thường Chúa dùng độc ẩm và tự tay pha trà rất khéo; mấy bữa có đánh chầu thơ hay đánh cờ cũng vậy. Chúa dùng bình đối ẩm cũng tự pha, và bình nào bình nấy giá đến mấy trăm lạng bạc, đều là ấm thuộc, trà cao bên trong không biết mấy lớp, càng dày càng quý càng ngon. Ngày nào Chúa vui, tự tay rót một chén ban cho cấp quan liêu nào, thì quan ấy vinh hạnh vô cùng.